Hôm nay Quốc hội công bố kết quả tín nhiệm 48 chức danh
Sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013 và 2014, Quốc hội tiến hành công việc này lần thứ ba trong hôm nay.
Sáng nay thứ năm 25/10, các đại biểu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng bỏ phiếu kín.
Ban kiểm phiếu do ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm Trưởng ban sẽ công bố kết quả đầu giờ chiều.
Đây là lần thứ ba Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Hai lần trước được thực hiện liên tục trong các năm 2013 và 2014. Sau đó, Quốc hội quyết định chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi khoá vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Danh sách lấy phiếu tín nhiệm năm 2018 có 50 chức danh, tuy nhiên hai trường hợp không lấy phiếu do chưa đủ thời gian công tác 9 tháng gồm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (mới được bầu, phê chuẩn cách thời điểm lấy phiếu vài ngày).
Các đại biểu Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Ảnh: Ngọc Thắng
Tiêu chí nào để đánh giá tín nhiệm?
Để đánh giá khách quan các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, mỗi đại biểu cần làm ít nhất bốn việc.
Đầu tiên là căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được Nhà nước giao để xem nhân sự đã làm tốt công việc hay chưa, ở mức độ nào? Tiếp theo, người đảm nhiệm chức đó đã phục vụ nhân dân ra sao; "phong cách, lối sống có trong sáng, giản dị không, hay dựa vào chức vụ quyền hạn để sinh sự, cậy thế".
Cuối cùng, ông Kim cho rằng, một lãnh đạo phải là tấm gương về mọi mặt. Riêng kê khai tài sản cần xem xét kỹ thu nhập có chính đáng không, có lợi dụng chức vụ để trục lợi hay không.
Đại biểu Vũ Trọng Kim. Ảnh: Võ Hải
Ông Kim nhận xét thêm trong 48 chức danh được lấy phiếu thì một số thành viên Chính phủ phụ trách lĩnh vực dân sinh, liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của người dân nên sẽ có những tác động nhất định.
"Có những ngành tác động đến cả trẻ em, người già, đến từng gia đình nên ai cũng quan tâm. Do vậy với các lĩnh vực này thì tôi thường xem xét cẩn trọng, tồn tại nếu có thì do đâu, có phải từ chính sách và chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo hay là lý do khách quan khác", ông Kim nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng muốn đánh giá đúng người, đúng việc thì phải cân nhắc nhiều mặt, nhất là "biện pháp chỉ đạo, quản lý có đạt yêu cầu không, đem lại chuyển biến như thế nào?".
"Cũng có lĩnh vực nhân sự phụ trách là người mới, trong khi nhiều vấn đề tồn đọng hàng chục năm. Ở đây phải xem xét từ lúc anh phụ trách có gì đổi mới không? Đành rằng là anh kế thừa, nhưng nếu làm mấy năm mà không chuyển động gì thì cũng không đạt yêu cầu", ông Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QH
Trong buổi họp báo đầu kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, các đại biểu nên tránh việc tham gia tiệc tùng, gây phản cảm trong dư luận.
Bình luận về điều này, ông Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn, cho đến sáng 24/10 "tôi không nhận được lời mời nào cả và cũng không thấy ai vận động mình".
Theo ông, các vị đại biểu Quốc hội sẽ xuất phát từ lợi ích của đất nước và nhân dân để lấy phiếu tín nhiệm.