Vingroup lập ba công ty về công nghệ, an ninh mạng
Tập đoàn Vingroup vừa cùng lúc thành lập 4 công ty, trong đó có 3 đơn vị về công nghệ, an ninh mạng và phần mềm.
Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) vừa ra nghị quyết về việc thành lập cùng lúc 4 công ty con với tổng số vốn 390 tỷ đồng, trong đó ba công ty có ngành nghề chính là về công nghệ và đều do Vingroup sở hữu 100% vốn.
Cụ thể, Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VINCSS có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là nghiên cứu, phát triển an ninh mạng. Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ VinConnect vốn điều lệ 300 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin. Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh phần mềm HMS có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó sản xuất phần mềm là hoạt động kinh doanh chính.
Riêng đơn vị mới thành lập có tên gọi Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Phúc An là hoạt động bất động sản và dịch vụ lưu trú. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó Vingroup sở hữu 85%.
Trong 4 doanh nghiệp nói trên, công ty sản xuất phần mềm HMS có trụ sở tại TP HCM. 3 công ty còn lại trụ sở đặt tại Tập đoàn Vingroup.
Cuối tháng 8, Vingroup công bố chiến lược thành tập đoàn công nghệ với ba mũi nhọn, chính thức đặt chân vào ngành công nghiệp phần mềm đang ở giai đoạn phát triển sôi nổi tại Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó mảng công nghệ chiếm tỷ trọng chính. Với mảng công nghệ, tập đoàn xác định ba hướng phát triển chính trong 10 năm tới. Thứ nhất, doanh nghiệp tập trung đầu tư nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập công ty VinTech, tách ra từ VinSmart. VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm và nghiên cứu phát triển nguyên vật liệu thế hệ mới. Công ty đã thành lập hai viện nghiên cứu là Viện Dữ liệu lớn và Viện Công nghệ cao Vin Hi-Tech.
Mũi nhọn thứ hai là tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City tại Hà Nội, theo mô hình thung lũng Silicon (Mỹ). Đây sẽ là hệ sinh thái toàn diện phục vụ các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin, bao gồm khu văn phòng, ăn ở... và các công ty dịch vụ hỗ trợ đi kèm.
Hướng phát triển chính thứ ba là lập quỹ đầu tư về công nghệ với nhiệm vụ tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển những dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo có khả năng ứng dụng cao trên phạm vi toàn cầu. Ngoài việc nhận hỗ trợ tài chính, các đối tác của Vingroup có thể sử dụng hệ sinh thái của tập đoàn để tổ chức thực nghiệm và thương mại hóa sản phẩm.