Gỡ vướng mắc giúp doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Tổng cục TCĐLCL (Bộ Khoa học Công nghệ) sẽ áp dụng nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc để đồng hành cùng với doanh nghiệp trong Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2017.
Tổng cục TCĐLCL (Bộ Khoa học Công nghệ) sẽ áp dụng nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc để đồng hành cùng với doanh nghiệp trong Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2017.
Doanh nghiệp còn “khó” trong việc đáp ứng các tiêu chí Giải thưởngChia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, những năm qua GTCLQG đã có những kết quả đáng ghi nhận với số lượng gần 2000 doanh nghiệp. Đây là con số còn khiêm tốn so với hơn nửa triệu doanh nghiệp hiện nay, nhưng cho ta thấy đây là giải thưởng có sự chọn lọc, không dễ đạt được.
“Về thuận lợi, khi tham gia GTCLQG được tiếp cận với 7 tiêu chí một cách cân nhắc chọn lọc, tương đối hoàn hảo, các doanh nghiệp làm theo tiêu chí sẽ đem lại tính bền vững trong vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn yếu về quản trị, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó khi tiếp cận, các doanh nghiệp khó đáp ứng các tiêu chí của GTCLQG” - Ông Tô Hoài Nam chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, Bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR) cho rằng hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều ở quy mô vừa và nhỏ, khả năng quản trị doanh nghiệp còn yếu, công nghệ còn lạc hậu và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế… Do đó, Bà Phạm Thị Xuân Hương mong muốn sẽ được hỗ trợ để các doanh nghiệp nâng cao khả năng quản trị, chất lượng sản phẩm hàng hoá… để hướng tới tham gia GTCLQG.
Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh chia sẻ về những điểm mới trong Giải thương Chất lượng Quốc gia năm 2017
Đánh giá về khả năng đáp ứng được các tiêu chí của giải thưởng đối với hầu hết các doanh nghiệp, ông Phùng Mạnh trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho rằng các doanh nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước khi tham gia giải thưởng, bản thân các chủ doanh nghiệp cần tích cực, chủ động trong việc nâng cao trình độ. Mỗi chủ doanh nghiệp phải ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và những hạn chế của chính bản thân mình để có kế hoạch khắc phục, cố gắng vươn lên.
“Bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi phương pháp, cách thức quản trị doanh nghiệp rất khác so với trước kia, chủ doanh nghiệp phải biết ngoại ngữ, có khả năng sử dụng thành thạo và hiệu quả mạng internet vào công tác giao dịch và quản trị. Do đó, mỗi chủ doanh nghiệp phải tự học tập vươn lên để cập nhập những tri thức mới, năng động, sáng tạo tìm kiếm phương pháp, cách làm việc mới, thị trường mới. Sự đánh giá khách quan của các chuyên gia đánh giá trong quá trình đánh giá, xét thưởng luôn được các doanh nghiệp và tổ chức tham dự GTCLQG trân trọng và coi đó là căn cứ hữu ích cho việc triển khai các hoạt động cải tiến liên tục trong hành trình vươn tới sự tuyệt hảo” – Ông Trường nhấn mạnh.
Giải quyết khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệpTrước những khó khăn nêu trên, Tổng cục TCĐLCL (Bộ Khoa học Công nghệ) cũng đưa ra nhiều giải pháp để đồng hành cùng với doanh nghiệp trên chặng đường hội nhập.
Cụ thể, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng sẽ cải tiến mẫu báo cáo tham dự GTCLQG theo hướng đơn giản, thuận tiện cho doanh nghiệp tham dự nhưng vẫn đảm bảo được các yêu cầu theo quy định. Triển khai xây dựng cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp tham dự có thể khai báo đăng ký tham dự và nộp hồ sơ online.
Trong tương lai, cơ quan thường trực sẽ đề xuất sửa đổi một số điều có liên quan tới Giải thưởng như: các Bộ, ngành có thể thành lập hội đồng sơ tuyển chuyên ngành; thay đổi tên gọi giải Bạc và Giải Vàng Chất lượng Quốc gia thành Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền, phổ biến để các cơ quan, đặc biệt doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc tham gia giải thưởng chính là công cụ, mục tiêu, động lực giúp doanh nghiệp phát triển.
“Chúng ta đã có Quyết định 712 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, triển khai ở các bộ ngành, các địa phương. Trên cơ sở công tác triển khai này sẽ triển khai đào tạo một đội ngũ chuyên gia các vùng miền các nơi từ Trung ương đến địa phương, đội ngũ này am hiểu các tiêu chí của thế giới cũng như một số các yêu cầu khác nữa để tư vấn giúp cho doanh nghiệp am hiểu, đưa các tiêu chuẩn này vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó chúng tôi cũng có một số chương trình khác nữa như tổ chức hội nghị, hội thảo hay nâng cao vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ bằng tinh thần, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp để biết thông tin. Trên cơ sở đấy doanh nghiệp tiếp cận được tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu về hệ thống quản lý…” - Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh thông tin.
Để giúp doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, mã vạch để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình. Sắp tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ cùng các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị từ trung ương đến địa phương triển khai tư vấn, sử dụng 1 phần ngân sách cùng với doanh nghiệp bỏ ra. Đào tạo đội ngũ chuyên gia đến giúp doanh nghiệp áp dụng hệ thống làm sao GTCLQG được tuyên truyên sâu rộng đến các doanh nghiệp, hiệp hội.